Nguyễn Ngọc Tư và những viên ngọc quý của nền văn học Việt Nam đương đại
Nguyễn Ngọc Tư - hiện tượng văn học đặc biệt ở Nam Bộ. Hiếm có một nhà văn nào trong thời điểm này có được sức sáng tác mạnh mẽ và một văn phong vô cùng đặc trưng như cô.
Nguyễn Ngọc Tư - nhà văn của mộc mạc và bình dị thôn quê. Độc giả yêu mến hay gọi bằng những cái tên thân thương là cô Tư.
Các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư luôn cuốn hút độc giả bằng lối kể chuyện đậm màu sắc phương Nam, nơi người ta tìm thấy cái nhìn sâu sắc, bao dung hơn cho những phận người. Fonos xin giới thiệu 7 tác phẩm nổi bật nhất của tác giả Nguyễn Ngọc Tư - đây được xem là những viên ngọc quý của nền văn học Việt Nam đương đại. Tất cả những tựa sách này đều đã có mặt trên ứng dụng sách nói Fonos và bạn có thể nghe chương 1 miễn phí. Hãy để âm thanh đưa bạn đi đến tận cùng của cảm xúc, của cả mất mát và yêu thương.
Dấu son của văn học đương đại: Cánh Đồng Bất Tận
Năm 2005, Nguyễn Ngọc Tư cho ra đời tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận, tác phẩm nhanh chóng nổi tiếng và trở thành một hiện tượng xuất bản của văn học Việt Nam.
Cánh đồng bất tận nhận được nhiều phản hồi tích cực của độc giả, một năm sau ngày ra mắt đã đạt Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam. Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Hàn và được nhà xuất bản Asia ở Seoul phát hành vào năm 2007.
Một năm sau, Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục nhận được Giải thưởng văn học ASEAN với hai tác phẩm Ngọn đèn không tắt và Cánh đồng bất tận.
Mới đây vào năm 2018, Cánh đồng bất tận tiếp tục ghi dấu ấn ở trời Tây với giải thưởng LiBeraturpreis do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin tại Đức (Litprom) bình chọn.
Cánh đồng bất tận là một cuốn sách vô cùng nhẹ nhàng, không ồn ào nhưng vẫn có thể chạm đến trái tim mỗi người để rồi đặt cuốn sách xuống là những ám ảnh khôn nguôi. Xuyên suốt cuốn sách là 14 câu chuyện ngắn về những kiếp người bất hạnh đi tìm kiếm cuộc sống và tình người. Hãy đọc để cảm nhận viên ngọc quý trong những câu chuyện này nhé.
Đây cũng là một tác phẩm cần nhiều công sức nhất của Fonos từ trước đến nay để mang được cái chất mộc mạc, dung dị của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đến với người nghe sách. Mời bạn xem video hậu trường để hiểu cách một tác phẩm truyện hư cấu được sản xuất như thế nào nhé!
Đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp: Giao Thừa
“Bông lau, sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, lúc đang phai. Dường như có vài thứ giống vậy, như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa… lúc đẹp là lúc mất. Chẳng hiểu đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp.”
– Nguyễn Ngọc Tư
17 truyện ngắn trong Giao Thừa nhắc nhở chúng ta về cuộc sống này. Ngắn ngủi nhưng đẹp đẽ. Sống trên đời, bất kể điều gì, có bắt đầu thì sẽ có kết thúc, bởi vậy trong khoảng cách từ bắt đầu cho đến kết thúc, dẫu dài hay ngắn, hãy là phiên bản đẹp nhất của chính mình – rực sáng như pháo hoa trong thời khắc giao thừa.
Cùng nghe và cảm nhận những câu chuyện thấm đẫm tình người trong sách nói Giao Thừa nhé!
Ngôn ngữ giàu chất điện ảnh: Gió Lẻ và 9 Câu Chuyện Khác
Vẫn là những câu văn thấm đẫm tình người. Nhưng trong Gió lẻ, bạn sẽ không thấy những hình ảnh vô cùng đặc trưng của Nam Bộ đã từng xuất hiện trong những tác phẩm khác của cô Tư như đồng lúa, sông nước miền Tây,... Những hình ảnh xuất hiện trong Gió lẻ mơ mơ ảo ảo khiến người đọc bồi hồi nhớ mãi.
Nhiều độc giả của cô Tư nhận xét đây là một trong những tác phẩm để lại nhiều dư âm nhất cho họ. Còn bạn thì sao, với bạn tác phẩm nào của cô Tư mang đến cho bạn nhiều ám ảnh nhất?
Cho những ai trót yêu mảnh đất Sài Gòn và con người nơi đây: Yêu Người Ngóng Núi
Sài Gòn không phải quê của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng chị viết về nó với rất nhiều tình yêu thương và sự trân trọng.
32 bài tản văn từ những câu chuyện nhỏ như cục kẹo đến những vấn đề mang tính thời sự chung như nuôi dạy con, chuyện yêu đương.
Vẫn là Nguyễn Ngọc Tư với sự nhẹ nhàng trong từng câu văn, sâu sắc và thấm đượm tình người. Vậy nếu bạn đã và đang yêu mảnh đất Sài Gòn, thử nghe những câu chuyện trong quyển sách này nhé!
Tinh tế nhưng không kém phần dung dị: Khói Trời Lộng Lẫy
Để có một cái nhìn đầy đủ về tác phẩm này của cô Tư, Fonos xin phép được trích review của bạn #Hann - Hộc sách số 23.
“Vẫn là câu chữ đậm đà chất Nam Bộ, vẫn những mảnh đời éo le nổi trôi giữa thiên nhiên sông nước, lần này được Nguyễn Ngọc Tư đào sâu hơn thông qua 9 truyện ngắn. Mỗi câu chuyện là mỗi cuộc đời, mỗi một hoàn cảnh sống khác nhau. So với những tác phẩm trước đây tôi từng đọc, thì “Khói trời lộng lẫy” là tác phẩm được xây dựng hình tượng nhân vật và tình huống sự việc rõ nét nhất, chi tiết nhất. Nó dường như chỉ kể về số phận một con người, nhưng cũng dường như được tác giả dùng để ẩn dụ cho cả những kiếp đời nào đó giống nhau. Dưới ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, chuyện đời, chuyện người nghe mới thật là gần gũi, thân thương.
Với tôi, “Khói trời lộng lẫy” không nằm trong danh sách những tác phẩm hay nhất của Tư, nhưng vẫn là tác phẩm đáng đọc. Lối viết đẹp, chắt chiu, giọng viết tự nhiên, có trầm có bổng, vẫn thể hiện được sự tài hoa điêu luyện trong ngòi bút của tác giả.”
Tiểu thuyết đầu tay: Sông
Sau 12 năm sáng tác truyện ngắn và tản văn, tác giả Nguyễn Ngọc Tư ra mắt tiểu thuyết dài đầu tay với sự đổi mới toàn diện của chính mình. Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo.
“Sông” là câu chuyện về những mảnh đời, những mảnh đời gắn kết vô hình bởi một dòng chảy.
“Đọc Sông cảm thấy lòng tan hoang, cảm thấy hồn vụn vỡ bay hoang như bụi mù. Nhưng mà mới đọc mấy dòng đầu đã thấy nghiện, thấy nhớ thương cân cấn cái mùi tan hoang ấy. Để rồi đang vui tưng tưng lại muốn say mèm với cái buồn dửng dưng của thiên hạ” - Trạm Đọc
“Sông” hoàn hảo từ nội dung đến ngôn từ, là một quyển sách đáng đọc và suy ngẫm.
Thưởng thức ly trà: Đong Tấm Lòng
Có một bạn độc giả của cô Tư đã so sánh tản văn của cô Tư như một tách trà. Fonos xin phép được chia sẻ bình luận của bạn Lemt trên Goodreads:
“Những tản văn của cô Tư, có lẽ không nên đọc quá nhiều cùng một lúc. Chỉ nên đọc từng mẩu truyện nhỏ từ từ. Như thưởng thức một ly trà. Nếu quá tham lam thì đầu lưỡi sẽ đắng ngắt, vì lẽ ấy sẽ không thể biết trà ngon. Đọc văn cô Tư giống như uống trà. Bởi uống trà là một thói quen của biết bao thế hệ, nhưng không phải ai cũng biết uống. Những câu chữ, những câu chuyện của cô, đọc thấy rất gần gũi mà không nhàm chán, nếu biết đọc. Giọng văn của cô để lại chút hoang hoải như dư vị đắng của trà nơi đầu lưỡi. Đủ để lòng người tĩnh tại. Đủ để những bộn bề tạm lắng xuống. Nhưng cũng vì cái hoang hoải ấy nếu cứ kéo dài liên tục sẽ làm lòng trĩu nặng. Thế nên người ta chỉ nên nhấm nháp từ từ cái buồn bảng lảng ấy. Uống trà không thể vội. Và đọc Nguyễn Ngọc Tư cũng thế.”
Vậy để Fonos mời bạn ly trà này nhé, một ly trà vẫn đậm chất miền Tây, vẫn là nỗi buồn man mác, vẫn là Nguyễn Ngọc tư dù tản văn hay truyện. Nhưng ly trà này có thêm giọng đọc xuất sắc cùng âm thanh mang bạn du lịch đến miền Tây trong một ngày đẹp trời.
Âm thầm sáng tác và lặng lẽ cống hiến, Nguyễn Ngọc Tư đã để lại dấu ấn riêng của mình cho nền văn học Việt Nam đương đại với những câu chuyện của mình.