Để không trở thành “tên cướp ngụy trang bằng quả chanh”

A better you 20 Th03 2024

Những người không đủ năng lực có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của mình, không chịu nhìn nhận năng lực của người khác và ngay cả khi phải đối mặt với thực tế, họ cũng không chịu thay đổi nhận thức về bản thân. 

Tên cướp ngây ngô và phi vụ nhớ đời

Năm 1995, McArthur Wheeler vào cướp hai ngân hàng tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Hắn ngang nhiên bước vào quầy uy hiếp các nhân viên mà không hề đeo mặt nạ hay cải trang. Khi bị camera an ninh ghi lại và bị bắt ngay sau đó, gã sốc nặng vì bị phát hiện. Wheeler kinh ngạc lẩm bẩm: “Tôi đã bôi nước chanh lên mặt rồi mà”. Wheeler được một người bạn mách nước rằng nếu che mặt bằng nước chanh, gã sẽ vô hình trước máy quay. Và gã tin điều này đến mức chỉ ngụy trang bằng nước chanh mà không hề sợ hãi. Thậm chí, Wheeler còn cho rằng cảnh sát đã ngụy tạo chứng cứ để khiến hắn mắc bẫy.

Câu chuyện Wheeler bôi nước chanh đã kích thích hai nhà nghiên cứu David Dunning và Justin Kruger tìm hiểu chi tiết hơn về hiện tượng này. Bộ não ta có những mô hình tư duy mà ta tin chắc như đinh đóng cột, ta thường nhầm lẫn quan niệm chủ quan của mình với sự thật khách quan. 

Thực hiện nghiên cứu trên một nhóm người tình nguyện, họ đi đến kết luận rằng người thiếu hiểu biết thường không biết rằng họ thiếu hiểu biết, hay còn gọi là người “mắc hiệu ứng Dunning-Kruger”. Những người không đủ năng lực có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của mình, không chịu nhìn nhận năng lực của người khác và ngay cả khi phải đối mặt với thực tế, họ cũng không chịu thay đổi nhận thức về bản thân. 

Vì sao phải chiến đấu chống lại sự thiếu khách quan?

Câu chuyện nói trên được hai tác giả Petr Ludwig, Adela Schicker nêu ra trong cuốn sách “Chấm Dứt Thói Trì Hoãn”. Trì hoãn (Procrastination) được định nghĩa là hành động hoãn lại việc gì đó một cách cố ý hoặc theo thói quen và rất phổ biến trong xã hội ngày nay. Thông qua 120 nghiên cứu khoa học, Ludwig và Schicker đã tạo ra một “chương trình” giải quyết sự trì hoãn dựa trên cách bộ não hoạt động. Rèn luyện tính khách quan, tư duy phản biện và logic cũng là cách để chúng ta có thể chống lại sự trì hoãn. 

Vì sao phải chống lại sự thiếu khách quan?

Chắc chắn rằng không ai muốn trở thành kẻ ngốc vì quá tin vào tính chủ quan của mình như McArthur Wheeler. Mô hình tư duy càng khách quan hơn, ta sẽ càng đưa ra quyết định đúng hơn. Thiếu khách quan sẽ cản trở sự phát triển cá nhân và nguy hiểm nhất là có thể gây hại cho người khác. Bertrand Russell từng nói: “Người ta gây nhiều đau khổ nhất cho người khác bởi họ tin chắc vào những điều hóa ra không đúng sự thật”. Nhiều kẻ sát nhân hàng loạt vẫn nghĩ rằng mình đang làm điều đúng và không coi bản thân là kẻ xấu - có thể kể đến tên sát nhân Anders Breivik.

Tính khách quan và sự thật là một trong những giá trị quan trọng nhất để xã hội vận hành và phát triển. Hiệu ứng Dunning-Kruger là kẻ thù của hai đặc tính này vì nó có thể ngăn chặn sự thiếu khách quan trong trí óc chúng ta. Đừng để mình rơi vào cái bẫy này. Một số nguyên tắc sẽ giúp bạn chống lại hiệu ứng Dunning-Kruger và sự thiếu khách quan:

  • Nâng cao năng lực thông qua giáo dục. Socrates diễn đạt tầm quan trọng của giáo dục bằng câu: “Điều tốt duy nhất là kiến thức và điều xấu duy nhất là sự thiếu hiểu biết”.
  • Xây dựng nền tảng dựa trên nguồn thông tin chất lượng. Kiến thức trong các tạp chí khoa học và nghiên cứu thường đáng tin cậy hơn báo lá cải hoặc blog ẩn danh.
  • Không đưa quan điểm cực đoan về những điều bạn không năm chắc. Hãy chỉ chia sẻ kiến thức về lĩnh vực bạn thực sự nắm rõ.
  • Đặt nghi vấn về trực giác của mình. Đừng chỉ băn khoăn, hãy chủ động đặt câu hỏi. Khi đặt câu hỏi về mọi thứ, bạn đang tích cực tìm kiếm những điểm không hoàn hảo trong mô hình tư duy của mình.
  • Tìm kiếm phản hồi bên ngoài. Tích cực đặt nghi vấn về ý kiến chủ quan của bạn, thu thập ý kiến người xung quanh.
  • Rèn kỹ năng tư duy phản biện. Tự mình suy nghĩ, không mù quáng tiếp nhận ý tưởng của người có thẩm quyền và người khác.
  • Cố gắng bác bỏ ý kiến của mình quyết liệt như khi bạn đang cố gắng bảo vệ nó. Bạn cần cố gắng thấy được sự sai lệch trong niềm tin của mình bằng cách tìm ra sự thật trái ngược với điều bạn nghĩ.
  • Áp dụng nguyên tắc dao cạo Occam. Nguyên tắc logic 700 năm tuổi này khẳng định nếu có nhiều hơn một cách giải thích cho một hiện tượng nhất định, thì rất có thể cách giải thích đơn giản nhất là cách giải thích đúng nhất.
  • Đừng giáo điều. Giáo điều là những sự thật không được phép nghi ngờ - nguyên nhân dẫn đến không khách quan. Bạn phải luôn sẵn sàng thừa nhận ý kiến của mình có thể sai.

Thông tin sách “Chấm Dứt Thói Trì Hoãn”:

“Chấm Dứt Thói Trì Hoãn” đã được dịch sang 21 thứ tiếng và đã bán được hơn 400.000 bản trên toàn thế giới.

  • Tác giả: Petr Ludwig, Adela Schicker
  • Người dịch: Team Fonos, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính
  • Số trang: 296
  • Giá bìa: 328.000
  • Ngày phát hành: Tháng 3/2024

Mua ngay phiên bản sách giấy tại:

Ngoài ra, độc giả cũng có thể trải nghiệm thêm phiên bản sách nói của “Chấm Dứt Thói Trì Hoãn” trên ứng dụng Fonos tại đây

Việc chấm dứt sự trì hoãn là điều cần thiết để phát triển ý thức về mục đích và có một cuộc sống hạnh phúc, trọn vẹn hơn!

Great! You've successfully subscribed.
Great! Next, complete checkout for full access.
Welcome back! You've successfully signed in.
Success! Your account is fully activated, you now have access to all content.