3 suy nghĩ giúp bạn chấm dứt sự trì hoãn

A better you 18 Th04 2024

Việc cảm thấy thiếu động lực và trì hoãn những việc cần làm, thực chất là một trạng thái mà ai cũng đều đã từng trải nghiệm. Đúng vậy, bạn không phải là người duy nhất cảm thấy vậy đâu!

"Là một người với… nhiều năm kinh nghiệm trì hoãn, mình muốn chia sẻ cho bạn một vài những sự thật ít người biết về thứ cảm giác này. Hy vọng rằng qua đây, bạn sẽ có một sự thấu suốt hơn về bản thân, về những gì mình đang cảm nhận, và tìm được cách thức để vượt qua vấn đề này" - Cosmic Writer

1. Trì hoãn không phải là lười

Đầu tiên, hãy vứt bỏ cái khái niệm về sự “lười biếng” ra khỏi tâm trí bạn. 

Ngoài việc khiến cho bạn cảm thấy tệ hơn về mình, việc nghĩ rằng mình “lười biếng” càng khiến bạn hành động tương ứng với sự tự phán xét đó.

Thực chất, theo các nghiên cứu về khoa học não bộ, sự trì hoãn bắt nguồn từ khả năng quản lý cảm xúc của bạn. 

Ai cũng đều yêu thích cái cảm giác làm xong việc, một thứ cảm giác nhẹ nhõm và tự hào. Tuy vậy, việc phải trực tiếp xắn tay áo vào thực hiện, thật sự bỏ ra thời gian để giải quyết đống bài tập, để làm việc nhà, để hoàn thành task việc được giao… là thứ khiến cho chúng ta chán nản.

Fight-or-flight?

Cảm giác chán nản đó bắt nguồn từ vùng não amygdala, khi nó kích hoạt ở chúng ta phản ứng chiến-hoặc-chạy (fight-or-flight) trước một trách nhiệm cần làm. Khi ý nghĩ về việc bạn cần làm khiến cho bạn cảm thấy căng thẳng, đó là khi bạn sẽ tìm mọi cách để né tránh và tự sao nhãng bản thân 

Để vượt qua được hiện tượng này, có 3 câu hỏi để bạn suy nghĩ:

  • Việc bạn đang né tránh thực hiện, nó có thật sự quan trọng không? 
  • Nếu như không quan trọng, thì tại sao bạn lại phải áp lực về nó? 
  • Và nếu như quan trọng, thì tại sao bạn lại né tránh?

Khả năng chấp nhận cảm xúc tiêu cực trong ngắn hạn để đạt được cảm xúc tích cực trong dài hạn, là một trong số những siêu kỹ năng mà mỗi chúng ta cần có.

Hãy hình dung khi bạn hoàn thành công việc, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn như thế nào, và lấy đó làm lý do để vượt qua sự chán nản trước mắt. 

2. Động lực đến từ bên trong bạn

Trong tâm lý học, các nhà nghiên cứu đã phân định rất rõ sự khác biệt giữa động lực ngoại sinh (extrinsic motivation)động lực nội sinh (intrinsic motivation)

Nếu như extrinsic motivation đến từ những sự thưởng-phạt bên ngoài (chẳng hạn như khi bạn nỗ lực vì muốn sự công nhận và không muốn bị chê cười), thì intrinsic motivation đến từ chính bạn: Từ một tầm nhìn về tương lai mà bạn đang hướng đến. Các nghiên cứu về tâm lý học đều cho thấy: Intrinsic motivation (hay những động lực xuất phát từ chính bạn) có hiệu quả gấp nhiều lần so với những động lực bên ngoài.

Goal-based motivation & journey-based motivation.

Trong cuốn “chấm dứt thói trì hoãn” của Peter Ludwig và Adela Schicker, các tác giả còn phân biệt giữa hai dạng động lực bên trong: goal-based motivation và journey-based motivation.

  • Một dạng động lực xuất phát từ việc đạt mục tiêu (goal-based).
  • Một dạng xuất phát từ việc tập trung vào hành trình (journey-based)

Cả hai dạng động lực này đều có thể giúp chúng ta hành động và đạt hiệu suất cao. Tuy vậy, khi đặt ra so sánh, journey-based motivation có thể giúp bạn đạt được hạnh phúc về lâu dài. Sự khác biệt nằm ở chỗ, khi hướng đến mục tiêu, bạn hoặc sẽ cảm thấy thất vọng (khi không đạt được), hoặc sẽ nhanh chóng cảm thấy trống rỗng (sau khi đạt được ít lâu). Ngược lại, khi bạn tập trung vào quá trình, yêu thích và say mê với từng bước đi mà bạn thực hiện, bạn sẽ cảm thấy tích cực xuyên suốt quá trình đó mà chưa cần bàn tới kết quả sẽ thế nào.

Việc đặt ra mục tiêu là rất quan trọng. Tuy vậy, quan trọng hơn cả mục tiêu, là con đường sẽ dẫn ta tới đó. Có 2 câu hỏi này mình muốn bạn suy nghĩ:

  • Để đạt được mục tiêu mà bạn đã đặt ra, bạn sẽ cần phải làm những việc gì? Bạn có thật sự yêu thích những việc đó hay không?
  • Đâu sẽ là những việc mà bạn thật sự muốn làm, mà nó sẽ giúp cuộc sống của bạn tốt hơn?

Người yêu cuộc hành trình sẽ đi được xa hơn rất nhiều người chỉ muốn nhanh chân về đích.

3. Vượt qua trì hoãn bằng việc yêu bản thân

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, yêu bản thân không phải chỉ là nuông chiều sự thoải mái của bản thân ở hiện tại. Thực chất, yêu bản thân còn mang những hình thái khác nữa.

Khi bạn trì hoãn những việc quan trọng cần làm, thực chất, bạn chỉ đang dồn lại những việc quan trọng đó cho phiên bản tương lai của chính mình. Bằng một cách nào đó, việc nuông chiều bản thân ở hiện tại, chính là khi bạn đang ngược đãi bản thân ở tương lai. Đó không phải là yêu thương bản thân.

Tình huống này thường xuyên xảy ra, vì bộ não của chúng ta thường không có nhận định tốt về thời gian. Chúng ta đánh giá quá thấp khối lượng công việc cần làm, và đánh giá quá cao khả năng của bản thân trong việc hoàn thành được nó.

Future-oriented thinking

Nhưng như Petr Ludwig và Adela Schicker chia sẻ, chúng ta sẽ cần phải có một tư duy hướng về tương lai (future-oriented thinking). Tư duy này sẽ giúp chúng ta sẵn sàng gánh chịu chút ít khó khăn ở hiện tại, thay vì đổ dồn mọi thứ áp lực lên vai của ta-của-tương-lai. 

Vậy nên, điều nhấn mạnh ở đây đó là: Hãy thương bản thân mình một chút. Đừng bắt ép bản thân phải chịu những áp lực không đáng có. Bằng việc bắt tay vào thực hiện những trách nhiệm cần làm, bạn đang biểu hiện tình yêu cho chính mình bằng hành động, giúp cho bạn cảm thấy tích cực hơn, và cuộc sống của bạn trở nên dễ thở hơn. Đó mới là yêu-bản-thân đúng nghĩa.

Final thoughts

Trên đây mới chỉ là một vài ý tưởng trong số rất nhiều kiến thức giá trị khác trong cuốn “chấm dứt thói trì hoãn” của Petr Ludwig và Adela Schicker. 

Nếu như bạn muốn tìm hiểu thêm, đừng quên đặt mua cuốn sách này khi còn đang ưu đãi nhé (hạn cuối vào ngày 30/04).

Nếu như bạn đang gặp khó khăn với sự trì hoãn, đừng lo vì bạn không hề đơn độc. Đây là một thử thách có thể nói là đặc trưng của cuộc sống hiện đại, khi chúng ta phải trải qua nhiều áp lực, mà những cám dỗ và tiện nghi thì luôn thường trực và khiến chúng ta tìm đến những lối thoát dễ dàng hơn. Tuy vậy, tất cả những điều mà bạn muốn có sẽ nằm ở phía bên kia sự trì hoãn. 

Chỉ khi bạn vượt qua được cảm giác trì trệ, bắt tay vào thực hiện những việc bạn cần làm, bạn mới từng bước đến được gần hơn với cuộc sống mà bạn muốn sống.

Vạn sự khởi đầu nan. Và khi đã có sự dũng cảm để bắt đầu, mình tin rằng khi đó, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

(Nguồn bài viết: Hà Minh - Cosmic Writer)

Great! You've successfully subscribed.
Great! Next, complete checkout for full access.
Welcome back! You've successfully signed in.
Success! Your account is fully activated, you now have access to all content.