Hãy kinh doanh như Starbucks - Bài học tạo nên đế chế cà phê lớn nhất thế giới
“Có những giây phút trong cuộc sống chúng ta gom hết dũng khí để đưa ra những lựa chọn đi ngược với lý lẽ thông thường, hay trái với lời khuyên sáng suốt từ những người chúng ta tin tưởng. Tuy nhiên chúng ta vẫn tiến về phía trước bởi vì, bất chấp mọi rủi ro và lý luận hợp lý, chúng ta vẫn tin tưởng con đường mình đang chọn là đúng và tốt đẹp nhất. Chúng ta từ chối đứng ngoài cuộc, dù rằng chính bản thân cũng không biết chính xác hành động ngày hôm nay sẽ dẫn chúng ta đến đâu”
- Howard Schultz, CEO và nhà sáng lập thương hiệu cà phê Starbucks.
Ngày 07-09-1982, Starbucks mở cửa hàng đầu tiên. Gần 40 năm sau, chuỗi cà phê Starbucks trở thành đế chế cà phê lớn nhất trên thế giới với vốn hóa thị trường lên tới 82 tỷ USD. Thành công của Công ty Cà phê Starbucks là một trong những câu chuyện kỳ diệu nhất về kinh doanh trong suốt nhiều thập kỷ. Một cửa hàng nhỏ ven sông ở Seattle rốt cuộc lại lớn mạnh và phát triển nên hơn một ngàn sáu trăm cửa hàng trên khắp thế giới và mỗi ngày lại có thêm một cửa hàng mới mọc lên.
Starbucks không chỉ tạo ra những cửa hàng cà phê, nó đã xây dựng nên một nền văn hoá riêng biệt. Điều gì tạo nên chỗ đứng cho Starbucks. Bí quyết nào giúp Starbucks và Howard Schultz vượt được qua cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 để tiến bước và phát triển thần kỳ. Cùng Fonos tìm hiểu nhé.
Để ý đến những chi tiết nhỏ
“Chúng tôi tư duy theo kiểu hàng triệu khách hàng và hàng nghìn cửa hàng thay vì là một khách hàng, một đối tác và một cốc cà phê. Với quan niệm như thế, nhiều điều nhỏ nhặt bị bỏ qua một cách nguy hiểm bởi không được chú ý, hoặc chí ít không được đánh giá đúng mức. Làm sao một cốc cà phê chưa hoàn hảo, một tay quản lý kém, một cửa hàng có vị trí tồi lại quan trọng khi hàng triệu ly cà phê đang được phục vụ tại hàng chục nghìn cửa hàng?
Chúng tôi quên mất rằng những cái “một” ấy sẽ cộng dồn.”
Sau khi dành lại quyền điều hành Starbucks năm 2008, Howard Schultz để ý rằng những quán cà phê phục vụ rất nhanh tuy nhiên chất lượng pha cà phê không đồng đều ở các cửa hàng. Pha espresso là một nghệ thuật đòi hỏi người thợ pha chế của mình phải đặt cái tâm vào. Nếu chỉ làm theo thao tác, ly cà phê sẽ trở nên không hoàn hảo, quá nhạt hoặc quá đắng. Đối với Howard, những nhà kinh doanh nên là người thổi hồn vào những vật tầm thường như đôi giày, con dao, thổi vào đó niềm tin mãnh liệt nó có thể lay động người khác. Bài học của Howard Schultz là làm những điển nhỏ bé một cách phi thường. Vào một buổi trưa thứ Ba, tháng 2-2008, Starbucks đóng cửa tất cả các cửa hàng tại Mỹ. Một thông báo dán trên 7.100 cánh cửa với nội dung:
“Chúng tôi đang tranh thủ thời gian để hoàn thiện thức uống espresso.
Món espresso hoàn hảo đòi hỏi phải làm đi làm lại cho thuần thục.
Vì vậy chúng tôi đang dốc sức hoàn thiện kỹ thuật pha chế của mình.”
Không đánh mất bản sắc vì lợi nhuận
Việc xây dựng một mối quan hệ với khách hàng, đối với Howard là nhiệm vụ ưu tiên. Rất nhiều ví dụ về các công ty thành công khi đặt khách hàng là ưu tiên không chỉ riêng Starbucks. Mỗi cuộc họp của Amazon, Jeff Bezos đều yêu cầu đặt một cái ghế trong phòng họp biểu trưng cho khách hàng. Và tại Starbucks, Howards tin rằng mùi thơm của cà phê chính là phương tiện tốt nhất để giao tiếp với khách hàng. Mùi cà phê đưa khách hàng ra khỏi cuộc sống thường nhật và chu du đến những miền đất xa xôi như Costa Rica và châu Phi.
Tuy nhiên, năm 2003, Starbucks bắt đầu phục vụ bánh mì kẹp vì công ty nhận thấy khách hàng đến với Starbucks thường mang theo món ăn của đối thủ cạnh tranh, hay đôi khi sẵn sàng mua một ly cà phê kém chất lượng vì chỗ đó có phục vụ sẵn đồ ăn tiện lợi cho họ. Chính món bánh mì kẹp đã giúp Starbucks kéo thêm được nhiều khách hàng và doanh số bán hàng tăng lên. Howard đã thấy những số liệu về doanh thu đầy tính thuyết phục của việc bán bánh mì kẹp. Hơn ai hết, ông hiểu rằng xoá bánh mì kẹp sẽ phải hi sinh doanh số bán và sự trung thành của khách hàng. Tuy nhiên, bánh mì kẹp sẽ phải hâm nóng phô mai. Mùi phô mai chảy hoàn toàn lấn át mùi thơm đậm đà và nồng nàn của cà phê. Và với Howard, ông sẵn sàng chịu tổn thất ngắn hạn vì lợi ích lâu dài. Không đánh mất bản sắc của mình vì lợi nhuận. Ông quyết định dừng việc bán bánh mì kẹp sau khi quay trở lại vị trí Giám đốc điều hành.
Quan tâm đến trách nhiệm xã hội
Khi được hỏi về những đối thủ của mình, như là McDonald's triển khai chuỗi cà phê, liệu rằng đó có phải là điều đáng lưu tâm? Howard tự tin trả lời rằng Starbucks có những thế mạnh khác McDonald's và một trong số đó chính là quan tâm đến trách nhiệm xã hội. Howard tin rằng người tiêu dùng ngày nay không chỉ quan tâm đến chi phí mà còn để ý đến vấn đề môi trường, sức khoẻ lẫn đạo đức kinh doanh. Starbucks từ lâu đã triển khai những biện pháp cụ thể trong việc cam kết tìm nguồn cung ứng cà phê thượng hạng có đạo đức. Howard muốn Starbucks không chỉ trả tiền cho nông dân mà còn khuyến khích những trang trại cà phê sạch và bền vững.
Không những thế, Howard cùng đội ngũ của mình đã tạo ra một quy trình mua hàng toàn diện nhằm đảm bảo cà phê của Starbucks được trồng và bán có trách nhiệm với xã hội. Nếu bạn lên trang web của Starbucks sẽ thấy báo cáo thường niên đầy đủ về trách nhiệm xã hội của Starbucks, không chỉ với những người nông dân mà với cả chính nhân viên của mình - những người được ông trân trọng gọi là đối tác.
Sự quay trở lại của Howard Schultz trong vai trò giám đốc điều hành năm 2008 đã vực dậy Starbucks khỏi cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến giờ, biến Starbucks không chỉ là một thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới mà trở thành một nền văn hoá cho các tín đồ mê đắm thức uống này.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những ngày đầu thành lập của Starbucks, tham khảo sách nói Dốc Hết Trái Tim.
Nếu bạn muốn tìm hiểu hành trình khôi phục lại Starbucks, Tiến Bước là cuốn sách bạn nên đọc.
Tất cả chương 1 trên ứng dụng Fonos hoàn toàn miễn phí.
Tham gia thảo luận về sách nói này cùng Fonos và chị Thái Vân Linh: https://www.facebook.com/events/1120869101753887
Tặng sách nói cho người thân và bạn bè với tính năng tặng quà của Fonos: https://fonos.link/qua-tang