Tác giả Đặng Huỳnh Mai Anh: “Quan trọng là, sau tất cả, ta vẫn sống như một loài cỏ dại, kiêu hãnh và thiết tha với cuộc sống.”
Đầu năm, khi mọi người tất bật quay trở lại cuộc sống thường ngày. 2021 có lẽ là một cái Tết rất khác biệt với mỗi người. Một cái Tết trầm lắng hơn, ít đi xa hơn, ít tụ tập hơn. Và ngày trở lại đi làm, mọi người vẫn thấp thỏm với những lo lắng liệu mọi thứ có đang tiến triển tốt hơn không. Liệu “trạng thái bình thường mới" sẽ sớm trở lại không?
Nhưng như Mai Anh - tác giả tập truyện ngắn “hai-mươi-bảy" chia sẻ cùng Fonos “Chúng ta không thể lẩn tránh nhìn vào nỗi sợ, không thể chối bỏ những mảng tối trong cuộc sống. Có thấp mới có cao, có tối mới thấy ánh sáng. Chúng ta nên chấp nhận cả những mảng màu tối trong cuộc sống”.
Vậy nên, đừng quá lo lắng nhiều quá. Mọi việc sẽ đâu vào đó. Lòng ta sẽ bình thản hơn nếu biết chấp nhận những mảng tối trong cuộc sống.
Bài blog đầu tiên của Fonos 2021, chúng ta sẽ cùng trò chuyện cùng tác giả Đặng Huỳnh Mai Anh và tập truyện ngắn mới nhất của của cô “hai-mươi-bảy". Một tập truyện ngắn mà người ta nói nó u ám hơn nhiều so với những tác phẩm trước đó của Mai Anh. Nó không tươi sáng như cô sinh viên năm nào bước chân vào chốn văn phòng trong “Chuyện thực tập". Nó không có sự háo hức say mê học hỏi như “Mùa hè năm ấy". Nhưng đúng như Mai Anh nói, chúng ta không thể “chối bỏ những mảng tối trong cuộc sống".
Phía sau sự u ám ấy là những bài học riêng cho tác giả và cho mỗi người chúng ta được đích thân Đặng Huỳnh Mai Anh chia sẻ trong bài phỏng vấn dưới đây.
Hai-mươi-bảy là một cuốn sách khác so với hai tác phẩm trước đó của chính bạn, bạn có gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện không?
Hai-mươi-bảy là cuốn sách hư cấu đầu tiên của tôi. Nếu hai cuốn sách trước, tôi chỉ việc “mở" mình ra, lấy tư liệu và viết sao cho chân thật nhất, thì hư cấu buộc tôi không chỉ nhìn vào mình mà nhìn vào thế giới xung quanh, đặt mình vào những địa vị không phải tôi, sống những cuộc đời không phải mình. Đôi khi việc viết lách cũng giống như đang nhập tâm vào diễn một vở kịch. Đó chính là điều khó. Nhưng, tôi cần vượt qua nó, để trở thành một phiên bản người viết mới, khi tôi muốn nghiêm túc theo đuổi việc viết, mong muốn làm mới mình, thử thách mình trên nhiều thể loại và câu chuyện đến rất tự nhiên.
Để viết nên những câu chuyện trong hai-mươi-bảy, ngoài việc quan sát những điều xung quanh mình, lắng nghe chính mình, bạn có “lắng nghe" từ những nguồn nào khác không?
Có lúc, tôi ngồi trên tàu điện, sau một ngày đi làm về mệt nhoài. Tôi tựa đầu lên kính cửa và nhìn những người lên và xuống chuyến tàu. Có người đùm đề ôm trên tay một túi thức ăn, có người chúi đầu vào điện thoại, có người cau có, có người dửng dưng. Thỉnh thoảng, xuyên qua những đầu người, tôi thấy những cái nắm tay của hai người yêu nhau.
Những lúc đó, tôi thường vẽ ra trong đầu mình những cốt truyện cho họ: Vừa bị sếp mắng, bị thua chứng khoán, hay vừa bỏ việc để đi học một cái gì đó mới, hoặc là yêu đơn phương, hay là yêu xa đứng nhắn tin cho người yêu trên tàu.
Tôi có lẽ đã “lắng nghe" từ những câu chuyện không lời như vậy nữa.
Bạn đã trải qua những cung bậc cảm xúc như thế nào trong quá trình hoàn thiện sách?
Tôi có lẽ đã bắt đầu viết cuốn sách bằng nỗi cô đơn. Đó là khi tôi vừa từ Việt Nam trở về London, lúc đó tôi được 27 tuổi một vài ngày. 12 tiếng trước đó, tôi vẫn ở trong bầu không khí ẩm nóng của miền Nhiệt Đới, thì bước xuống sân bay là cái gió, cái lạnh và âm u. Tôi kéo vali đi về một mình, nặng trĩu nỗi nhớ nhà.
Tôi nghĩ việc một người viết bắt đầu bằng nỗi cô đơn cũng dễ hiểu, họ viết với nhu cầu được kết nối, và trò chuyện. Trước khi cuốn sách đến được với bạn đọc, thì bằng việc viết, họ trò chuyện với chính mình. Càng viết tôi càng vỡ ra nhiều thứ về chính mình, dù tôi đang viết những câu chuyện hư cấu.
Cũng có những câu chuyện tôi viết rất “vật vã", cảm giác mình cũng khổ sở và nín thở theo nhân vật, đau chính cái đau của họ, buồn chính cái buồn của họ, để khi viết xong truyện cuối cùng của Hai-mươi-bảy, tôi thở phào. Niềm khoan khoái của sự hoàn thành đó sẽ giúp tôi hạnh phúc sống suốt 3-4 tháng sau đó.
Những câu chuyện trong hai-mươi-bảy u ám hơn hai tác phẩm trước của tôi. Có người bạn còn nói thẳng với tôi rằng họ không thích hai-mươi-bảy, vì nó được viết bằng nỗi sợ. Điều đó tùy thuộc bạn đọc, có lẽ không nên cưỡng cầu ai cũng phải yêu thích một cuốn sách. Sách như người bạn, có nhân duyên thì cùng ngồi xuống. Trong tư cách người viết, tôi chỉ nghĩ không thể lẩn tránh nhìn vào nỗi sợ, không thể chối bỏ những mảng tối trong cuộc sống. Có thấp mới có cao, có tối mới thấy ánh sáng, yêu cuộc sống là chấp nhận cả những mảng màu tối của nó. Quan trọng nhất là, sau tất cả đó, ta “vẫn sống như một loài cỏ dại", kiêu hãnh và thiết tha với cuộc sống.
Sự sắp xếp trình tự các câu chuyện như vậy là ngẫu nhiên hay dựa trên điều gì?
Các câu chuyện sắp xếp đều có ý đồ. Tôi chọn Nhị-Phân mở đầu, vì nó gần như tự truyện, đó là lời mở đầu để những bạn đọc luôn ủng hộ tôi sẽ bước vào hai-mươi-bảy với sự quen thuộc trong các cuốn nhật ký hành trình trước của tôi. Đó cũng là một tuyên ngôn cá nhân của người viết, chút bộc bạch về bối cảnh tôi đã viết hai-mươi-bảy trong năm tôi hai-mươi-bảy tuổi. Sang hai truyện Nàng Thơ, thì… chắc bạn đọc sốc một chút, nhưng tôi viết vì chưa từng viết về tình yêu bao giờ. Tôi muốn bạn đọc nhận ra tôi đã lớn rồi, và muốn nổi loạn.
Học-máy là mối trăn trở nhân sinh của tôi, khi tôi học và làm việc về Khoa Học Dữ Liệu. Tôi cũng luôn mong muốn được mang các kiến thức về Khoa học, Kinh Tế học, Toán học vào văn chương, nên đây lại là một màu sắc muốn “thử" mình khác.
Theo sau đó, Chạy. Vết-nứt. Một-ẩn-dụ. Có-một-người-sẽ-ghé-qua-đây-đêm-nay. Là một chu trình tăng tiến của sự ngột ngạt và trầm uất. Với nhịp độ tăng dần, tôi muốn viết về một chủ đề rất đáng quan tâm: Trầm Cảm.
Cuối cùng là, Chạm. Mong cho mỗi chúng ta dẫu có trải qua nỗi đau nào, cũng sẽ được chữa lành. Cũng sẽ tìm ai đó chạm vào ta, yêu thương ta bằng sự kiên nhẫn và chân thành.
Với “Chuyện thực tập”, Mai Anh muốn chia sẻ những kinh nghiệm cho những bạn đang và sẽ đi thực tập. “Mùa hè năm ấy" kể lại hành trình của chính bạn qua chương trình trao đổi 5 tuần ở Mỹ, một bước ngoặt mang lại nhiều bài học về tình bạn, bước ra khỏi vùng an toàn và tinh thần học hỏi. Vậy với những người “có nhân duyên" với hai-mươi-bảy, Mai Anh kỳ vọng nó sẽ mang tới điều gì cho những người lựa chọn tác phẩm này của bạn?
Mình mong bạn đọc nhìn thấy chính họ, hoặc hình bóng của những người gần gũi với họ nhất.
Có một câu chuyện xưa thế này:
Vì con người quá tự đại, các vị thần đem giấu sự thông thái của con người đi. Nhưng họ không biết phải giấu ở đầu trên thế gian, mà con người không đào xới, lật tung lên tìm kiếm. Một vị thần thông thái nhất đã tìm ra cách. Giấu sự thông thái của con người vào sâu chính bên trong họ.
Con người luôn hướng ra ngoài để tìm kiếm những cách lý giải, những câu trả lời, để rồi không nhận ra chính bên trong họ có chứa tất thảy câu trả lời cho nhân gian.
Tôi, vì thế, luôn viết với mong mỏi bạn đọc nhìn thấy chính họ.
Mai Anh và cuốn sách nói đầu tiên
Một điểm khác biệt nữa của hai-mươi- bảy so với hai tác phẩm trước là việc thu âm sách nói. Hai-mươi-bảy là cuốn sách được Mai Anh lựa chọn để chuyển qua định dạng âm thanh?
Mình cũng muốn chuyển hai tác phẩm trước qua định dạng âm thanh đó chứ, để những bạn ở xa chưa có cơ hội mua sách có thể tiếp cận dễ dàng hơn trên ứng dụng Fonos. Nhưng mà ưu tiên hai-mươi-bảy trước thôi do sách mới vừa phát hành ^^
Bạn cũng đã tham gia vào quá trình thu âm hai truyện ngắn nữa. Mai Anh có thể chia sẻ lý do tại sao không?
Tôi là người rất thích trải nghiệm, và… cũng tò mò nữa. Ban đầu, tôi muốn đi thử để quan sát cách mọi người làm việc để thu âm ra một cuốn sách nói. Biết đâu lại có thêm chất liệu, sau này viết một truyện ngắn có nhân vật chuyên thu âm những cuốn sách nói chẳng hạn.
Ngoài ra, tôi nghĩ đó sẽ là một bất ngờ thú vị cho bạn đọc. Đối với tôi, giọng nói luôn có cái gì rất riêng tư. Bằng giọng nói hy vọng sẽ mở ra một kết nối mới, tôi cũng muốn cho những câu chuyện một đời sống mới. Khi là sách nói, trải nghiệm đó phải lạ hơn, đặc biệt hơn mới đáng để bạn đọc bỏ tiền. Vì vậy, làm được gì thì tôi cố hết sức.
Lần đầu tiên thực hiện thu âm cho cuốn sách của mình tại studio Fonos, bạn cảm thấy thế nào?
Tôi cực kỳ thích làm việc với ê-kíp Fonos vì họ rất yêu nghề, rất chỉn chu, và rất hiểu tác phẩm. Những anh chị em thu hai-mươi-bảy cùng tôi, họ đọc rất kỹ tác phẩm, và rất hiểu các truyện. Tôi rất cảm kích vì điều này.
Tôi cũng nhận ra việc thu âm cực kỳ khó. Phải thu rồi, mới thấy nể các anh chị em làm trong nghề này. Tôi thu 2 truyền, từ 9 giờ sáng đến tận trưa. Được sửa từng cái hắt hơi nhả chữ, nhiều khi giọng khô quá phải làm hớp nước rồi đọc lại. Về sau tôi đói bụng quá, vừa thu mà bụng kêu rột rột, nước miếng trào ra khiến chữ không rõ nữa. May mà cũng hoàn tất (chắc các anh chị thấy thương quá nên thôi cho về).
Trở về Việt Nam và dự định trong tương lai
Một chuyện ngoài lề một chút. Sau một khoảng thời gian dài sống và làm việc ở nước ngoài, lí do tại sao bạn chọn quay về Việt Nam?
Tôi muốn gặp gỡ nhiều người hơn. Khi bạn đọc hai-mươi-bảy, sẽ nhận ra phần thoại hơi “kỳ kỳ", đó là vì thời gian viết hai-mươi-bảy tôi dường như không hội thoại với ai (bằng tiếng Việt). Dù vậy, có lẽ sự “kỳ kỳ" đó thể hiện đúng màu sắc và không khí của hai-mươi-bảy.
Nhưng ở các tác phẩm sau, tôi muốn mình viết thoại mượt hơn, chất liệu về cuộc sống cũng dồi dào hơn, có nhiều nhân vật đa dạng hơn.
Tôi về Việt Nam để gặp thêm nhiều người, để sống nhiều hơn, để nghe và quan sát đa dạng hơn. Quả thật, mấy tháng qua về Việt Nam, cuộc sống của tôi nhiều màu sắc và sinh động hơn hẳn. Tôi thấy mình đã lựa chọn đúng.
Với đợt trở về ngày, Mai Anh là tìm được cảm hứng hay tư liệu gì cho cuốn sách tiếp theo chưa?
Tôi là người thích bất ngờ, và cũng rất thích tạo bất ngờ cho người khác. Nếu hai-mươi-bảy là lần đầu tôi viết hư cấu, thì biết đâu sắp tới tôi sẽ viết một thể loại lần đầu nào khác nữa: Pop Science cũng là một lựa chọn.
Cảm hứng và tư liệu đến nhiều từ những năm tháng đèn sách của tôi về Kinh Tế Học, Toán học và Khoa học dữ liệu. Từ khi trở về Việt Nam, thì chất liệu là chính cuộc sống tôi sống: Công việc của tôi, các đồng nghiệp của tôi, các bạn đọc của tôi. Mỗi một người tôi gặp, họ có màu sắc, câu chuyện, tính cách, nỗi buồn, và khát vọng khác nhau. Những quan sát và trải nghiệm đó làm tôi muốn viết. Nên hy vọng, sớm thôi, tôi sẽ căng tràn những cảm hứng, đến mức không chịu nổi, phải ngồi suốt và viết liền tù tì… vài cuốn sách tiếp theo.
Với chất liệu cuộc sống dồi dào hơn, hi vọng sẽ sớm được thấy Mai Anh cùng những tác phẩm mới. Cảm ơn Mai Anh về buổi trò chuyện đầu năm này!
Nếu bạn yêu thích câu chuyện của Mai Anh, thử lắng nghe một chương trong tác phẩm hai-mươi-bảy thử nhé!