Những cuốn sách hay nhất về chủ nghĩa tối giản để bạn tìm được quan điểm phù hợp với mình nhất

Cốt lõi của chủ nghĩa tối giản là tìm về những giá trị đích thực từ chính bản thân mình, thay vì tìm niềm vui trong những thứ xung quanh. Có người bắt đầu tìm về sự tối giản bằng cách dọn dẹp nhà, vứt bỏ bớt đồ đạc, có người tập trung thanh lọc tinh thần hay công nghệ xung quanh mình.

Đây là những cuốn sách hay nhất về chủ nghĩa tối giản với những quan điểm khác nhau. Bạn có thể tìm đọc một quan điểm phù hợp với mình, bắt đầu dọn dẹp lại từ thứ bộn bề nhất trong cuộc sống của bạn và hạnh phúc hơn ngay từ bây giờ.

Quan điểm chỉ giữ lại những thứ tạo ra niềm vui trong cuộc sống: Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật - Marie Kondo

Marie Kondo nổi tiếng khắp thế giới với cái tên “Thánh nữ dọn nhà”. Cô đã tạo ra một nguyên tắc dọn nhà mang tên mình vô cùng đơn giản: mỗi khi bạn cân nhắc có nên giữ lại một món đồ hay không, chỉ cần tự hỏi mình rằng “Does it spark joy?”, bạn có ngay lập tức cảm nhận được niềm vui lan tỏa từ nó đến mình hay không. Nếu có, hãy giữ lại nó trong nhà. Nếu không, hãy nâng niu món đồ ấy trên tay, cảm ơn nó vì đã chăm sóc bạn trong thời gian qua, và bỏ nó đi.

Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật là cuốn sách bạn sẽ bắt gặp trong mọi bài viết gợi ý sách về chủ đề tối giản. Cùng với câu hỏi “Does it spark joy?”, Marie Kondo sẽ hướng dẫn bạn cách dọn dẹp và sắp xếp từng món đồ trong nhà: quần áo, giày dép, giấy tờ, đồ dùng nhà bếp, những món đồ kỉ niệm. Khác với những quan điểm dọn nhà từng chút một, Marie khuyên bạn nên chất đồ thành núi và sắp xếp hợp lý lại mọi thứ để không bao giờ phải làm việc đó thêm một lần nào nữa. Nếu bạn thực hành phương pháp dọn nhà này, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy nó như một cơn bão đi ngang qua căn nhà bạn, cuốn hết mọi thứ bạn không cần dùng đến, và chỉ để lại niềm vui trong cuộc sống của bạn.

Nếu bạn cần thêm một chút nguồn cảm hứng, phim tài liệu Dọn nhà cùng Marie Kondo trên Netflix sẽ khiến bạn phải bắt đầu tối giản nhà cửa ngay lập tức.

Quan điểm chúng ta không thật sự cần nhiều đồ đạc đến thế: Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật - Sasaki Fumio

Cuốn sách này có cái tên tiếng Anh ngắn gọn: Goodbye, Things (Tạm dịch: Tạm biệt đồ đạc). Và đúng là bạn có thể tóm gọn cuốn sách này chỉ trong vài chữ ấy. Thế tại sao lại cần đến cả một cuốn sách chỉ để bàn về việc giữ đồ hay vứt đồ đi?

Vì luôn có rất nhiều lý do để bạn không thể vứt bỏ đồ, dù bạn thừa biết rằng bạn không cần chúng đến thế: bạn cảm thấy cần chuẩn bị sẵn những món đồ có thể cần dùng đến trong tương lai, bạn tiếc tiền đã bỏ ra để mua chúng,... Dù bạn dùng lý do gì, Sasaki Fumio khẳng định nguyên nhân của việc giữ quá nhiều đồ đạc xung quanh mình là vì bạn cần khẳng định giá trị bản thân thông qua chúng. Nhưng giá trị của mỗi người nằm ở tính cách, cách hành xử, tri thức,... chứ đâu phải ở những món đồ! Hai chương đầu của cuốn sách giúp bạn hiểu ra điều này, và can đảm thực hành 55 quy tắc vứt bỏ đồ đạc ở những chương sau. Khi đó, bạn không còn sợ cái nhìn của người khác, bạn tập trung vào phát triển bản thân. Và quan trọng hơn hết, bạn sẽ hạnh phúc hơn!

Quan điểm về lối sống tối giản cho người Việt: Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản - Chi Nguyễn

Nếu thường xuyên đọc điểm báo A Better You mà Fonos gửi đến bạn hàng tuần, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp cái tên The Present Writer với những bài viết về tài chính, tư duy tích cực. Đó là blog cá nhân của Chi Nguyễn, tác giả cuốn sách này, một Tiến sĩ giáo dục đang học tập và làm việc tại Mỹ. Một trong những bài viết đầu tiên của Chi trên The Present Writer có tên là: Tại sao tôi sống theo Chủ nghĩa tối giản (Minimalism)? được đăng khi khái niệm này chưa hề phổ biến tại Việt Nam. Bất ngờ, nó tạo nên sức hút vô cùng lớn với hàng trăm lượt yêu thích và chia sẻ trên mạng xã hội chỉ trong một đêm; và cho tới ngày hôm nay, đây vẫn là bài viết được đọc nhiều nhất trên blog. Đó là lúc Chi nhận ra nhu cầu tối giản hóa cuộc sống của người Việt, mong muốn giải thoát bản thân, và tìm về những giá trị cốt lõi của sự hạnh phúc.

Đây là cuốn sách chia sẻ về hành trình sống tối giản của Chi, một người đã quen với lối sống của người Việt. Bạn sẽ không tìm thấy trong cuốn sách này những lời khuyên hay quy trình để thực hành sống tối giản, nhưng bạn sẽ rút được những bài học từ câu chuyện Chi kể để tìm ra được con đường riêng hướng tới hạnh phúc của chính mình.

Quan điểm chỉ sử dụng những công nghệ thật sự phục vụ cuộc sống: Lối Sống Tối Giản Thời Công Nghệ Số - Cal Newport

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc sử dụng Facebook có quan hệ tiêu cực với cảm giác hạnh phúc.” Nghiên cứu này được duyệt và đăng trên tờ “Tạp chí dịch tễ học của Mỹ”. Đó là nghiên cứu về một căn bệnh.

Cal Newport muốn bắt đầu một cuộc cách mạng gọi là Lối Sống Tối Giản Thời Công Nghệ Số. “Lối sống tối giản thời công nghệ số chắc chắn không chối bỏ những thành tựu của thời đại internet, mà thay vào đó, chối bỏ cái cách mà quá nhiều người chìm đắm vào các thành tựu này.” Nếu bạn đã nhận ra mình dành quá nhiều thời gian cho màn hình vi tính, điện thoại, cho những cuộc trò chuyện không nhìn thấy mặt nhau, bạn có thể đọc cuốn sách này và bắt đầu liệu trình 30 ngày tối giản công nghệ. Bắt đầu bằng việc chọn ra những công nghệ “tùy chọn” mà bạn có thể ngưng sử dụng trong 30 ngày nhưng vẫn không ảnh hưởng công việc và cuộc sống, tìm những việc thật sự có ích - đọc sách, bắt đầu một sở thích, tập thể dục, học nấu ăn, gặp gỡ bạn bè -  để lấp đầy khoảng thời gian trống mà chúng bỏ lại. Kết thúc vào ngày thứ 30 bằng nhận thức mới về việc công nghệ nào thật sự phục vụ cho những giá trị mà bạn theo đuổi trong công việc, trong cuộc sống.

Nghe thử miễn phí chương 1 sách nói Lối Sống Tối Giản Thời Công Nghệ Số trên ứng dụng Fonos:

Sách nói Lối Sống Tối Giản Thời Công Nghệ Số của tác giả Cal Newport | Fonos
Viết bởi tác giả Cal Newport , độc quyền tại Fonos. Hãy tải ngay ứng dụng Fonos và trải nghiệm chương đầu tiên của cuốn sách nói Lối Sống Tối Giản Thời Công Nghệ Số miễn phí!

Quan điểm thanh lọc tinh thần là sự “tối giản hóa” hoàn hảo nhất: Người Tối Giản - Hành Trình Trở Về Số 0 - Phạm Quỳnh Giang

Đây là cuốn sách từ tác giả Phạm Quỳnh Giang, là Giảng viên trường Đại học khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM, thạc sĩ Chính trị học trường đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc), nghiên cứu sinh tiến sĩ trường đại học tổng hợp Tự Do Berlin (Frei Universität Berlin, CHLB Đức). Khác với những cuốn sách khuyên bạn nên bắt đầu tối giản những đồ đạc xung quanh mình, rồi mới cảm nhận được sự hạnh phúc, Phạm Quỳnh Giang lại bắt đầu bằng cách xuất phát từ tinh thần và tư duy. Chị tìm đến việc nắm bắt cái thần thái của những người tối giản _ một sự tự do tuyệt đối từ chính bên trong bản thân mỗi con người, “đó là những người có một cái tâm tĩnh lặng, một cái đầu biết tư duy mạch lạc về những thứ mình cần, và một đôi tay dám vứt bỏ những thứ thừa thãi trong cuộc sống của mình.”

Nếu bạn cảm thấy mình không quá bộn bề đồ đạc, nhưng lại bộn bề với những suy nghĩ về tiền bạc, các mối quan hệ, công việc, đây sẽ là cuốn sách hoàn hảo để bạn dọn dẹp lại tinh thần mình, trở lại là “một số 0 tròn trĩnh, một tờ giấy trắng tinh tươm, một tinh thần trong trẻo giữa một không gian thanh khiết.” Những cuốn sách hay nhất từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh này cũng sẽ giúp bạn tìm về hạnh phúc đích thực trong tâm hồn.

Quan điểm tối giản nhưng đừng cầu toàn: Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản - Greg McKeown

Trong tiếng Đức, ba từ “Weniger aber besser” có nghĩa là “ít nhưng chất”. Đây cũng chính là phương châm của những người theo chủ nghĩa tối giản, theo đuổi cái “ít hơn nhưng tốt hơn”.

Đồ đạc ít hơn nhưng mọi món đồ đều chất lượng, mối quan hệ ít hơn nhưng vô cùng khăng khít, làm việc ít hơn nhưng hiệu quả. Vậy có nghĩa là bạn cần cầu toàn và đặt ra tiêu chuẩn cao nhất cho mọi thứ trong cuộc sống của mình? Nếu thế, tối giản cuộc sống có vẻ như sẽ rất căng thẳng và áp lực.

Trong cuốn sách này, tác giả Greg McKeown giúp bạn phân biệt thế nào là tối giản, thế nào là cầu toàn: hành vi của người cầu toàn là “theo đuổi nhiều hơn một cách thiếu nguyên tắc”, người theo chủ nghĩa tối giản “theo đuổi ít hơn một cách có nguyên tắc”. Khi hiểu rõ nguyên tắc này, bạn có thể đưa ra lựa chọn đơn giản hơn, đúng đắn hơn và bớt áp lực trong việc theo đuổi lối sống tối giản.

Đây là những cuốn sách hay nhất về chủ nghĩa tối giản mà Fonos gợi ý bạn nên đọc. Nếu bạn quan tâm chủ đề này, đừng ngại cho Fonos biết. Fonos sẽ tìm thêm nhiều bài viết hay về lối sống tối giản để chia sẻ đến bạn trong điểm báo A Better You những tuần tới nhé!